Vì sao Mật vụ Mỹ không nổ súng bắn cựu binh xâm nhập?

Dư luận Mỹ đặt câu hỏi về phản ứng của Mật vụ Mỹ khi một cựu binh xách dao đột nhập vào Nhà Trắng.

Đội quân đặc vụ thuộc Sở Mật vụ Mỹ chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh cho Nhà Trắng được trang bị nhiều loại vũ khí và được huấn luyện gắt gao về cách chống lại các cuộc tấn công vũ trang phức tạp, thế nhưng khi một cựu binh xách dao xông thẳng vào Nhà Trắng cuối tuần vừa rồi, nhiều người tỏ ra thắc mắc khi không một mật vụ nào nổ súng.

Vì sao Mật vụ Mỹ không nổ súng bắn cựu binh xâm nhập? - 1

Một mật vũ Mỹ đứng canh gác trước Nhà Trắng sau vụ xâm nhập

Báo chí và dư luận Mỹ tỏ ra ngạc nhiên và đặt câu hỏi mật vụ Mỹ đã ở đâu, và tại sao họ không sử dụng vũ khí để có thể ngăn chặn, không chế kẻ đột nhập, khiến cựu binh Omar Gonzalez có thời gian để chạy băng qua bãi cỏ và đến được hàng cột bên ngoài sảnh Nhà Trắng.

Tuy nhiên, các quan chức Mật vụ Mỹ tuyên bố rằng họ có lý do để không nổ súng trong vụ việc này, và nó hoàn toàn nằm trong quy trình an ninh của Sở Mật vụ.

Một mật vụ giấu tên cho biết: “Đây không phải là một vụ tấn công kiểu quân sự. Anh ta không mang theo túi xách hay ba lô, trong tay không cầm một loại vũ khí rõ ràng (con dao được Gonzalez để trong túi). Và từ nhận định ban đầu, các mật vụ đánh giá người này có vấn đề về thần kinh”.

Vì sao Mật vụ Mỹ không nổ súng bắn cựu binh xâm nhập? - 2

Nghi phạm chạy băng qua bãi cỏ đến trước sảnh Nhà Trắng

Trước khi vụ đột nhập xảy ra, Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa cùng gia đình lên máy bay rời Nhà Trắng để đi nghỉ cuối tuần, và đây cũng là một trong những lý do khiến mật vụ Mỹ không nổ súng.

Yếu tố quan trọng khiến mật vụ Mỹ không sử dụng vũ khí chết người để khống chế kẻ xâm nhập là vì lúc đó có rất nhiều khách du lịch đang tham quan ở dọc hàng rào phía bắc của Nhà Trắng, nơi Gonzales xâm nhập.

Các mật vụ Mỹ lo ngại rằng nếu họ nổ súng vào nghi phạm, đạn lạc có thể trúng vào du khách ở phía sau gây thương vong đáng tiếc. Một mật vụ nói: “Chúng tôi phải chịu trách nhiệm đối với mỗi viên đạn mình bắn ra. Chúng tôi không chỉ tính đến mục tiêu mà còn phải xem xét điều gì đang ở sau mục tiêu”.

Vì sao Mật vụ Mỹ không nổ súng bắn cựu binh xâm nhập? - 3

Rất nhiều du khách thường xuyên tới tham quan trước hàng rào Nhà Trắng

Vụ việc này hoàn toàn khác với vụ đối đầu xảy ra ở Nhà Trắng hồi tháng 10 năm ngoái, khi mật vụ Mỹ và cảnh sát bảo vệ Quốc hội đã nổ súng bắn chết một phụ nữ tìm cách lao xe với tốc độ cao vào cổng Nhà Trắng.

Người phụ nữ tên là Miriam Carey đã bị trúng 5 viên đạn ở cổ và bụng sau khi cô này tìm cách lao thẳng xe vào một chốt kiểm soát của cảnh sát bảo vệ Quốc hội và đe dọa tính mạng của họ.

Tuy nhiên, trong vụ đột nhập cuối tuần trước, Sở Mật vụ Mỹ đang bị điều tra lý do tại sao họ không thả chó nghiệp vụ ra để khống chế đối tượng xâm nhập.

Vì sao Mật vụ Mỹ không nổ súng bắn cựu binh xâm nhập? - 4

Mật vụ Mỹ quan sát từ trên nóc nhà

Một mật vụ lý giải: “Chúng tôi phải thể hiện sự kiềm chế thích hợp. Liệu việc không thả chó nghiệp vụ ra có phải là kiềm chế quá mức?”

Tất cả các mật vụ trực ban hôm đó đều bị thẩm vấn về những gì đã xảy ra và những quyết định mà họ đưa ra, khi cấp trên của họ không hài lòng với việc nghi phạm có thể đến được tận cửa Nhà Trắng mới bị bắt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo AP) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN