Chặn việc tẩu tán tài sản

Đối tượng bị thanh tra có dấu hiệu tẩu tán tài sản hoặc có hành vi làm thay đổi hiện trạng, chứng cứ ảnh hưởng đến kết luận điều tra sẽ bị phong tỏa tài khoản tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Ngày 24/4, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng (NH) Nhà nước đưa ra dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn việc phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra để lấy ý kiến rộng rãi của người dân và các cơ quan chuyên môn.

Ông Đỗ Gia Thư, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ, cho biết Luật Thanh tra năm 2010 có điều khoản quy định về việc phong tỏa tài khoản của những cá nhân, tổ chức liên quan để bảo đảm hiệu quả, hiệu lực trong quá trình thanh tra. Tuy nhiên, từ đó tới nay chưa có hướng dẫn thực hiện nên không thể áp dụng.

Khi nào phong tỏa?

Ông Đỗ Gia Thư cho biết việc kiến nghị NH, tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra là một quy định rất mới nên cần lấy ý kiến nhiều chiều.

Theo dự thảo, trong quá trình thanh tra và thực hiện kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra mở tại tổ chức tín dụng khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản, không thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản.

Cụ thể, việc phong tỏa sẽ được thực hiện khi đối tượng thanh tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc chuyển tiền từ tài khoản của mình sang tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà không có mục đích rõ ràng, hợp lý hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc chuyển dịch quyền sở hữu, sử dụng, cho tặng, thế chấp, cầm cố, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản.

Ngoài ra, đối tượng thanh tra có hành vi làm sai lệch hiện trạng, tình tiết, chứng cứ ảnh hưởng đến việc kết luận, xử lý trong thanh tra cũng sẽ “được” áp dụng hình thức phong tỏa tài khoản.

Chặn việc tẩu tán tài sản - 1

Việc phong tỏa tài khoản ngay từ quá trình thanh tra sẽ góp phần chặn đứng những vụ tẩu tán tài sản Ảnh: HỒNG THÚY

Trong trường hợp hết thời gian phong tỏa tài khoản mà đối tượng thanh tra không thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản được nêu trong kết luận thanh tra thì người ra văn bản yêu cầu phong tỏa tài khoản có quyền ban hành quyết định cưỡng chế hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế để thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản. Đồng thời ban hành quyết định tạm giữ hoặc yêu cầu, kiến nghị người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ giấy tờ, tài sản để bảo đảm việc thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản…

Làm càng sớm càng tốt

Rất nhiều sai phạm lớn xảy ra tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thời gian qua chỉ được phát hiện khi Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ vào cuộc. Nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự đã được chuyển hồ sơ cho Cơ quan Điều tra Bộ Công an xử lý và sau đó mới có những đại án như Vinashin, Vinalines…

Theo ông Đỗ Gia Thư, việc chậm trễ thực hiện quy định phong tỏa tài khoản của những đối tượng bị thanh tra có thể khiến nhiều khối tài sản của các cá nhân, tổ chức liên quan dễ dàng được tẩu tán và gây khó khăn trong việc thu hồi về sau.

Tuy nhiên, ông Thư cho rằng một trong những khó khăn không nhỏ khi thực hiện quy định này chính là việc đến nay, các cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát chặt chẽ, toàn diện tài sản, thu nhập của cán bộ công chức, viên chức, đặc biệt là những người có chức vụ, quyền hạn. Nhiều tài sản của người có chức vụ, quyền hạn không đứng tên “chính chủ” mà lại đứng tên của vợ con, anh em nội ngoại, họ hàng… nên để phong tỏa được tài khoản, rồi kế đến là tài sản sẽ không hề dễ dàng. “Đó là những vấn đề mà ban soạn thảo cũng đang đặt ra và mong muốn nhận được nhiều ý kiến phản biện, đóng góp để có quy định mang tính khả thi cao”- ông Thư cho biết.

Trong khi đó, một chuyên gia về thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp cho biết chuyện thi hành án dân sự, thu hồi tài sản về cho ngân sách nhà nước sau vụ án hình sự xảy ra tại Tập đoàn Vinashin đến nay vẫn còn nóng hổi. Việc thu hồi tài sản đang gặp rất nhiều khó khăn, đạt hiệu quả thấp vì các biện pháp bảo đảm không được thực hiện nghiêm túc.

“Việc phong tỏa tài khoản ngay từ quá trình thanh tra và sau đó là phong tỏa tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử cần tạo thành một vòng khép kín, có sự phối hợp chặt chẽ thì mới kịp thời chặn đứng được những phi vụ tẩu tán tài sản kiểu “hy sinh đời bố củng cố đời con” như hiện nay”- vị chuyên gia này nói.

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo dự thảo thông tư, các cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp hoặc cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin về tài khoản; không thực hiện quyết định phong tỏa tài khoản, quyết định hủy phong tỏa tài khoản; không thực hiện yêu cầu phong tỏa tài khoản, yêu cầu hủy phong tỏa tài khoản, yêu cầu khấu trừ tiền của cơ quan thanh tra thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thế Kha (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN